*** Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ***
*** Đức Đại La Thiên Đế ***
** Đức Chúa Trời ***
* Nguồn gốc
Khởi nguyên vũ trụ từ Khí Hư Vô phát xuất một khối ánh sáng vĩ đại mang năng lượng vô cùng vô tận gọi là Đại Linh Quang hay Thái Cực Quang hay tạm gọi là cội Đạo. Lúc bấy giờ, khối ánh sáng ấy phân tánh hóa sinh, biến hiện nên thân ảnh ba vị tận thiện tận mỹ đầu tiên là Đức Hồng Quân Lão Tổ, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức Dao Trì Kim Mẫu.
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế xuất hiện chính là việc các dòng khí Âm Dương, năng lượng thanh nhẹ và trọng trược được phân định rõ ràng cụ thể.
- Khí thanh nhẹ hình thành nên các cõi Thiên Giới vô hình thuần khiết, gọi là cõi Thượng Giới.
- Khí trọng trược kết tụ lại tạo nên các tinh cầu, tinh vân, tinh thể, thiên thạch hữu hình trong vũ trụ gọi chung là cõi Hạ Giới.
- Bầu khí quyển của các cõi Hạ Giới, hay nơi tiếp giáp giao nhau giữa hai cõi Thượng Giới và Hạ Giới được gọi là Trung Giới, có năng lượng âm dương hỗn độn.
- Các cõi trong khắp Tam Giới này được tồn tại theo quy luật vận hành riêng biệt của âm dương luân chuyển thường biến, vô thường nhưng theo trật tự chặt chẽ nghiêm ngặt. Nhờ vậy mà chu kỳ chuyển động của tinh tú, tinh cầu đều ổn định theo đúng quỹ đạo của nó, không bị rối loạn mà phát sinh các sự cố va chạm nhau dẫn đến phát nổ và hủy diệt.
* Tam Giới khởi nguyên có các cõi sau
Cửu Trùng Thiên là 9 tầng lớp không gian thanh nhẹ của Thượng Giới, phát xuất từ cội Đạo cho đến Hạ Giới.
Bên trong Cửu Trùng Thiên tồn tại Tam Thập Lục Thiên là 36 cõi Thiên Giới khác nhau, chia theo tứ phương.
Kế đến có Tam Thiên Thế Giới là 3000 tinh tú, cõi giới hữu hình Hạ Giới.
Thêm nữa thì có Thất Thập Nhị Địa là 72 địa cầu.
Trung Giới nơi tiếp giáp giữa Thượng Giới và Hạ Giới thì chia thành bốn khu vực rộng lớn theo tứ phương, gọi là Tứ Đại Bộ Châu.
Như vậy tổng quan có 3122 cõi giới khác nhau từ lúc vũ trụ được hình thành buổi sơ khai. Vũ trụ Tam Giới luôn vận hành, phát triển và sinh sôi nảy nở ngày một thêm nhiều, vô cùng vô tận do có chư vị cao trọng tu tập rồi tự mình thiết lập nên các cõi giới khác nhau.
* Các tôn danh của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Ngài là vị đã đưa Tam Giới vào trật tự từ lúc hỗn độn sơ khai. Mỗi cõi giới được Ngài phân tánh hóa sinh, biến hiện thành một vị Thượng Đế cai quản cõi giới ấy. Như vậy có tất thảy là 3122 thị hiện tướng, hóa thân khác nhau của Ngài. Mỗi hóa thân ấy đều có một tôn danh riêng biệt. Trong số ấy có một số tôn danh thường được dùng để chỉ về Ngài.
Đức Đại La Thiên Đế Thái Cực Thánh Hoàng: Đại La Thiên là một cõi Thiên đầu tiên xuất hiện xung quanh khối ánh sáng Thái Cực. Thế nên cõi này được gọi là cõi Thái Cực, vị cai quản cõi này là Đức Đại La Thiên Đế, còn được biết với tôn danh là Thái Cực Thánh Hoàng.
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế: Nơi cõi Thái Cực có Bạch Ngọc Kinh là kinh đô được hình thành bởi khí chất thanh nhẹ như ngọc. Để đi vào Bạch Ngọc Kinh thì có một cánh cổng hoàng kim gọi là Huỳnh Kim Khuyết. Thế nên vị cai quản nơi đây được gọi với tôn danh là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Đức Chí Tôn: Ngài là hiện thân của khối năng lượng Thái Cực vĩ đại, tối cao tối thuợng. Thế nên Tam Giới xưng tán Ngài là Đức Chí Tôn đầy lòng từ bi hòa ái.
Đức Đại Từ Phụ hay Đức Chúa Cha, Đức Chúa Trời: Vì Ngài chính là vị đã thiết lập nên trật tự vận hành Tam Giới này, được hiểu như là Đấng sáng tạo nên muôn vật loại, nuôi dưỡng cho muôn loài sinh trưởng. Thế nên muôn sinh gọi Ngài là vị cha lành đáng kính của muôn loài, Đức Đại Từ Phụ.
Đức Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn
Khung giống như Không vậy, chỉ về khoảng không gian sâu thẳm, to lớn vĩ đại vô cùng.
Huyền Khung Cao Thượng là chỉ về nơi hư không tịch mịch, vắng lặng thanh tịnh, lại tối cao tối trọng, huyền diệu chẳng thể nghĩ bàn.
Đại Thiên Tôn chỉ về vị tôn kính, tối cao tối thượng.
Ngài xuất hiện từ thuở hư vô, vũ trụ chưa có chi cả, nhờ vào sự an bài sắp đặt hai khí âm dương trật tự với nhau mà vũ trụ này nên hình vận hành tinh tấn thường biến. Thế nên Tam Giới thành kính gọi ngài với tôn danh vi diệu như vậy.
Đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Vào thời Tam Kì Phổ Độ muôn sinh, chư vị trọn lành nguyện đưa vạn loại sinh linh hữu tình trở về với Đạo, hiệp quy vạn giáo về một gốc là cội Đạo với tôn chỉ Vạn Giáo Đồng Nguyên từ Hư Vô mà biến hiện. Ngài dùng huyền nhiệm cơ bút, giáng điển cho đồng tử là phàm nhân nơi Hạ Giới thuyết giảng về việc tu Đạo sao cho trở nên tận thiện tận mỹ mà về với cội Đạo của mình.
Nơi Hạ Giới chúng sinh chia rẽ nhau về vấn đề đức tin, khác sắc áo tôn giáo mà dễ rời xa nhau, tranh đấu cùng nhau. Thế nên Ngài dùng danh hiệu Cao Đài tượng trưng cho Nho Giáo, Tiên Ông tượng trưng cho Tiên Giáo, Đại Bồ Tát tượng trưng cho Phật Giáo làm danh hiệu gọi về vị đã hóa sinh nên muôn vật loại, lưu truyền Đạo Pháp từ thuở khai Thiên lập Địa. Như thế có thể cho chúng sinh hiểu rõ Vạn Giáo Đồng Nguyên mà hiệp quy đức tin Tam Giáo cùng hướng về một gốc là cội Đạo.
* Hình dáng tôn nghiêm và các tính chất đặc trưng của Ngài
- Khi thị hiện là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Ngài mang dáng dấp của vị nam nhân khoảng hơn năm mươi với vẻ ngoài vừa nhân từ phúc hậu, lại vừa oai nghiêm cương trực. Toàn thân Ngài khoác đạo bào màu hoàng kim óng ánh sắc vàng rực rỡ như ánh bình minh vừa ló dạng nơi chân trời. Trên đỉnh đầu Ngài có chiếc Cửu Trọng Quan, là mũ vương miện bằng vàng ròng có những sợi châu ngọc lấp lánh buông xuống phía trước, biểu trưng của quyền uy tuyệt đối trong Tam Giới.
Ngài thường mang bên mình chiếc Thiên Bình, là một cái cân hoàng kim với hai bàn cân nhỏ nhắn tượng trưng cho thiện nghiệp và ác nghiệp nằm gọn trong lòng bàn tay. Cân này tượng trưng cho sự Công Bình, bình đẳng và uy nghiêm công chánh của Ngài khi gìn giữ sự cân bằng của Tam Giới.
Khi hữu sự cần giúp cho một chơn hồn quán chiếu được nhân duyên nghiệp quả của mình, Thiên Bình này sẽ biến thành to lớn trước mặt họ, bao điều thiện ác hành tàng ho đã từng làm trong kiếp sinh của mình đều được tái hiện rõ ràng, rồi hai cán cân ấy sẽ nghiêng về phía thiện nghiệp hay ác nghiệp để từ đó họ quyết định vận mệnh của mình sẽ chuyển sinh, tồn tại ra sao sau khi thấu rõ nhân duyên nghiệp quả.
Một bảo vật trân quý khác mà Ngài thường để trong tay áo đạo bào của mình chính là quyển trục Thiên Thơ. Thiên Thơ này chỉ vỏn vẹn có bốn chữ quy luật vận hành Tam Giới là Bác Ái Công Bình. Nhờ vậy giữ cho mọi thứ được theo đúng chu kì nhất định mà chúng sinh gọi là Luân Hồi Nhân Quả. Tuy đơn giản là thế nhưng Luật Thiên Điều, Thiên Thơ đã định chẳng sai chạy bao giờ.
Toàn thân Ngài lan tỏa ánh Đạo quang sắc trắng và vàng đan xen lẫn nhau, rực rỡ nhưng không chói lóa, ấm áp nhẹ nhàng thuần khiết vô cùng.
- Khi thị hiện là Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ
Ngài mang dáng dấp của lão nhân, gương mặt nhân từ độ lượng, tỏa ánh sáng chan hòa dịu dàng. Nhìn vào gương mặt ấy, chúng sinh sẽ nhìn thấy những nét gần gũi giống với cha ruột đã sinh thành, dưỡng dục mình nơi thế gian.
Toàn thân Ngài khoác đạo bào màu trắng. Ngài để xõa tóc tự nhiên, hoặc trên đỉnh đầu búi tóc gọn gàng, có giắt một chiếc trâm cài hình đóa liên hoa hàm tiếu. Ở giữa liên hoa có hình tượng Thiên Nhãn sáng soi, tỏa ra minh khí an lạc thanh khiết vô cùng. Thiên Nhãn là biểu tượng của ánh sáng Minh Triết.
Nơi ngực áo của Ngài ẩn tàng ánh sáng lập lòe hai sắc vàng trắng xen lẫn nhau, ẩn ẩn hiện hiện. Đó là biểu tượng của Từ Bi Tâm thuần khiết nhân hậu. Là tình yêu thương bao la vô cùng vô tận, luôn tha thứ độ lượng đối với chúng sinh là con cái của mình.
Người có tín tâm thiện lành, ý hướng tu tập trở nên Chân Thiện Mỹ thì có thể hữu duyên được nhìn thấy Ngài. Lúc bấy giờ nhờ an lạc khí từ Ngài lan tỏa khiến cho người ấy cảm ứng được, liền thấy gần gũi thân thương, an yên, tâm tánh lương thiện, lành tính trong các việc đối nhân xử thế với đời.
Nguồn: https://www.facebook.com/TamGioiToanThu/posts/1313193365539896